-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
2019-05-30
Viết bởi Hanoimoment / 1 bình luận
Có thể nói, một bộ ấm trà là thứ không thể thiếu được trong mỗi gia đình người Việt. Dọc theo chiều dài hình chữ S, từ lầu son gác tía cho tới chốn Thiền Môn, từ người nông dân đến bậc trí sĩ, dù lễ tết hay hiếu hỉ, người Việt đều uống trà, mời trà. Trà không chỉ là thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa – nay.
Thưởng thức trà xưa
Tại chốn cung đình, các ông bà vua chúa thưởng thức trà rất cầu kỳ và công phu. Trà phải được ủ từ hôm trước, nước pha trà được hứng từ những giọt sương trên búp sen vào sáng hôm sau. Trà pha xong được rót ra tách sứ Long Phụng, dâng bằng hai tay một cách cung kính lên bề trên.
Ở chốn thiền môn, trà được xem như vật phẩm tĩnh tọa, nên có câu: “ Trà vị, Thiền vị, thị nhất vị”, nghĩa là trà với thiền là một. Cách uống trà của Thiền môn thể hiện rõ những triết lý tu học qua bốn chữ : Hòa ( sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người), Kính ( Kính trọng sự tồn tại của vạn vật), Thanh ( Sự thanh khiết của vật chất và tinh thần), Tịnh ( Sự bình an của tâm hồn)
Ở nơi dân dã, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếu ghế, một ống điếu thuốc lào, người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh,…
Uống trà có thể là độc ẩm ( Uống một mình ) , đối ẩm ( Uống hai người), hoặc quần ẩm ( nhiều người). Người xưa có câu “ trà tam , rượu tứ”. Mỗi độ Xuân về hay tết trung thu,, các tao nhân mặc khách lại tụ họp cùng nhau thưởng thức trà, ngắm trăng, bình thơ. Mời trà và dung trà cũng là cách để tìm kiếm tri kỉ, kết nối thâm giao.
Theo đó, một cuộc trà đúng nghĩa phải hội tụ những tiêu chí : Nhất thủy ( nước trà phải ngon), Nhì trà ( loại trà tinh túy), tam bôi, tứ bình ( dụng cụ và cách thức pha trà phải chuẩn), ngũ quần anh ( tri kỉ thưởng trà).
Các tiền nhân sành sỏi trong nghệ thuật trà uống cho rằng : trà có nhiều nước, nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ , đậm đà, sâu thẳm, đó mới thực sự là hồn cốt tinh túy trong một ấm trà. Sau cái đắng chat là vị ngọt hậu cứ đọng mãi không tan.
Bởi vậy, trà nuôi dưỡng tâm hồn thanh khiết và là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Dân gian vẫn còn lưu truyền những áng thơ trác tuyệt của người xưa về trà : “ Khi hương sớm, lúc trà trưa. Bàn lan điểm nước, đường tơ họa đàn” ( Nguyễn Du), hay “ Thư nhàn xin lửa pha trà mới. Vui thú bên thông ngắm chiều qua” ( Cao Bá Quát)
Và nay…
Nước ta có rất nhiều vùng trà, nhiểu loại trà. Trà nguyên thủy hay còn gọi là hậu vị là loại trà mộc không ướp hương, nhiều người sành trà cho rằng như vậy mới cảm nhận được vị nguyên sơ. Trà thanh hương được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau như trà sen, trà nhài, trà sói,… thường dùng để đãi khách quý. Người Bắc thích hàn huyên bên ấm trà nghi ngút khói, người Nam lại thích thú với ly trà đá mát lạnh để vơi đi cái nóng nực. Tùy khẩu vị và vùng miền, mỗi người lại chọn cho mình cách thưởng thức trà khác nhau.
Cuộc sống hiện đại ngày nay với bao tất bật làm phai mờ đi những thói quen truyền thống, thật khó khăn và tốn thời gian để thưởng trà vào buổi sớm mai hay cùng bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ bàn chuyện văn chương kim cổ, suy thịnh việc đời. Cũng thật khó mà có thể ngồi cùng nhau hàng giờ đồng hồ để tâm sự, giãi bày… Nhưng cũng còn đâu đây những phòng trà, những căn phòng được thiết kế trong không gian kín hay mở vẫn được lưu giữ được những nét truyền thống của không gian uống trà
Cách đây vài năm, Hà Nội và các thành phố khác khởi đầu với hàng loạt biển vàng của trà Lipton, kế tiếp là biển xanh của Dilmah, và gần đây là hàng loạt những nhãn hiệu khác… Sự thành công của những nhãn mác trà ngoại đó cho thấy, từ lâu lắm rồi, người ta vẫn mong chờ một điều gì đó có thể làm cân bằng cuộc sống hiện đại cuồn cuộn chảy.
Nam thanh nữ tú có yêu trà Việt đến mấy cũng ít muốn ngồi ở quán cóc mà uống trà. Họ cần có những không gian lịch sự để trò chuyện và cảm thấy được tôn trọng. Nhưng những loại trà vừa chua vừa ngọt, ít hương kém vị, vừa uống vào đã thấy tuột hết mùi vị làm sao sánh được với trà mạn, trà sen, hoa sói,… thứ trà mà người xưa thường ví đi tám trăm dặm đường còn ngọt trong cổ.
Bình luận:
1 bình luận
Liarriaps Trả lời
14/10/2022lasix patient teaching Grant RC, et al